Màng bọc thực phẩm được nhóm sinh viên làm trong một tuần - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhóm gồm ba nữ sinh Nguyễn Hoàng Kim Long, Lê Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Thùy Dương (khoa công nghệ sinh học) đã tận dụng vỏ trái chanh dây và thanh long để tạo ra màng bọc thực phẩm có tên gọi "Yummy Plastic".

Nguyên liệu 100% tự nhiên

Bạn Nguyễn Hoàng Kim Long cho biết qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy người nông dân chỉ tập trung khai thác kinh tế từ nông sản, ít ai nghĩ đến phế phẩm nông nghiệp có thể tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường.

Sinh viên làm màng bọc thực phẩm có thể ăn được bằng vỏ thanh long, chanh dây

"Chúng tôi làm ra màng bọc hoàn chỉnh chỉ trong khoảng một tuần. Sản phẩm có được qua các bước như thu gom vỏ trái cây từ các hàng quán, làm sạch, phơi khô, tách chiết pectin, phối trộn với nước, sấy mẫu ở nhiệt độ 60℃ trong 24 tiếng và thu thành phẩm.

Sản phẩm của chúng tôi sử dụng công nghệ xanh, thành phần hoàn toàn tự nhiên nên rất an toàn cho cơ thể, dễ phân hủy trong môi trường, phối trộn nguyên liệu phụ gia trong thực phẩm nên hoàn toàn có thể ăn được" - Kim Long nói thêm.

Lê Thùy Linh chia sẻ: "Thời gian sử dụng màng bọc khoảng 3-4 tuần nếu bảo quản ở nhiệt độ thấp hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. Chúng tôi thử nghiệm thấy màng bọc rất phù hợp cho những thực phẩm tươi như thịt heo, gà, cá… và dễ dàng sử dụng ở những thực phẩm khác.

Ngoài ra, trong thanh long chứa betacyanin, đây là chất chỉ thị màu tự nhiên, nhạy với môi trường pH. Khi môi trường pH tăng, chiết xuất trong thanh long sẽ thay đổi, chuyển từ màu đỏ sang mất màu. Nhờ đó mà người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết thực phẩm bị hư hỏng khi sử dụng màng bọc từ vỏ thanh long".

Mong muốn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân

Nguyễn Ngọc Thùy Dương cho biết với 200g vỏ trái cây, có thể tạo ra được một cuộn màng bọc dài 50m.

"Nhóm đã dựa trên môn hóa phân tích, hóa hữu cơ... để ứng dụng và phát triển sản phẩm. Ra thị trường sẽ có giá 70.000 đồng/cuộn màng bọc từ vỏ thanh long, 60.000 đồng/cuộn màng bọc từ vỏ chanh dây.

Màng bọc thực phẩm từ vỏ chanh dây (bên trái) và vỏ thanh long (bên phải). Màng bọc từ vỏ thanh long có khả năng đổi màu từ đậm sang mất màu tùy vào mức độ hư hỏng của thực phẩm - Ảnh: NVCC

Nhóm mong muốn có thể giải quyết được vỏ phế phẩm trong trồng trọt, giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập mới từ sản phẩm bỏ đi. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong người dân có thể giảm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng sản phẩm thân thiện để môi trường thêm xanh hơn" - Dương bộc bạch.

TS Lê Quang Phong - trưởng bộ môn hóa ứng dụng Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận xét đề tài có tính sáng tạo.

"Tôi thấy các bạn biết sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo, hữu cơ thân thiện với con người. Nhóm đã tận dụng vỏ trái cây để làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ người nông dân, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngày nay người tiêu dùng rất quan tâm đến sức khỏe, môi trường nên nhu cầu sử dụng sản phẩm xanh lớn, màng bọc này của các bạn hoàn toàn có khả năng thương mại hóa" - TS Phong nhấn mạnh.

Thầy Phong cho biết nhóm cũng cần khắc phục thời gian sử dụng của màng bọc, tìm thêm nguồn nguyên liệu khác giá rẻ hơn.

Nghiên cứu đạt nhiều giải thưởng

Nhóm đạt giải ba cuộc thi Mastermind do Trường đại học quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Bên cạnh đó, đề tài được hội đồng đánh giá mang tính ứng dụng cao, góp phần xây dựng và phát triển xã hội theo hướng tích cực hơn.

Đề tài cũng đạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần 2 năm 2022 - 2024, do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức với chủ đề "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Khát vọng vươn xa".

Nhóm dự thi cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần 2 - Ảnh: NVCC